Con dúi là con gì? là loài vật như thế nào? Giá trị của chúng đối với đời sống phát triển của con người ra sao? Ở Việt Nam, loài dúi này khá phổ biến ở vùng rừng núi, nhưng đây vẫn là một cái tên khá lạ lẫm với nhiều người. Vì vậy, bài viết này sẽ tổng hợp tất tần tật những thông tin thú vị về loài vật này.
Kiến thức chung về con dúi và đặc điểm của chúng
Con dúi ngoài cái tên này ra còn được người dân biết đến với nhiều cách gọi khác như chuột nứa, chuột lách, chuột tre, con nui, con rúi, dúi rừng. Giống loài này thực chất thuộc phân họ gặm nhấm và có thân hình tròn trịa gần giống với các loài chuột, chúng thường sống ở rừng.
Để nhận ra loài dúi này thì khá đơn giản, chỉ cần tinh ý một chút là có thể phân biệt được chúng. Thân hình dúi khá tròn trịa và mũm mĩm, chúng không có cổ, đôi mắt thì nhỏ, đen và lồi ra phía ngoài.
Nhìn chung một con dúi ở độ tuổi trưởng thành sẽ có kích thước trong khoảng 25 – 35cm theo chiều dài và trọng lượng từ nửa kg đến 3kg. Lông của dúi có màu sắc chủ yếu là màu đen, bàn chân có móng vuốt sắc bén, cùng với bộ răng chắc khỏe và mau dài giống các loài chuột.
Tại Việt Nam và đặc biệt là ở các dân tộc miền khu vực rừng núi, thịt con dúi được coi là một món đặc sản thơm ngon với giá trị dinh dưỡng cao. Thịt dúi thường dai, ngon, nhiều đạm bởi chúng ăn chủ yếu là các loại hạt, mía, củ quả,…
Phân loại các con dúi hiện có tại Việt Nam
Có thể coi con dúi là một loài động vật khá phổ biến ở vùng rừng núi Việt Nam. Giống dúi hiện nay được chia làm bốn loại là dúi mốc nhỏ, dúi mốc lớn, dúi má vàng và dúi nâu. Mỗi loài thì sẽ có những đặc trưng về tính cách, ngoại hình riêng biệt khác nhau được trình bày dưới đây.
Dúi mốc nhỏ
Ở Việt Nam, loài dúi mốc nhỏ này thường xuất hiện chủ yếu tại những vùng miền núi rừng phía Bắc. Đặc điểm nhận dạng giống dúi mốc nhỏ này là có kích thước và trọng lượng cơ thể khá nhỏ, và mang trên mình bộ lông có màu hơi mốc.
Dúi mốc lớn
Các con dúi mốc lớn có phạm vi sinh sống chủ yếu ở miền Bắc. Loài dúi này được nhận dạng qua đôi chân ngắn nhưng lại có bàn chân to, mắt bé và tai nhỏ. Ngoài ra trên bộ lông của chúng có xuất hiện những đốm trắng. Với kích thước vừa từ 0,5kg đến 1kg, loài này được dùng trong chăn nuôi hoặc làm thương phẩm.
Dúi má vàng
Đây là giống dúi có kích thước lớn nhất trong các loài dúi hiện có, cân nặng của chúng có thể lên tới 3 hoặc 4kg, tương đương một chú chó con. Con dúi má vàng sở hữu bộ lông nhiều màu và đặc điểm dễ nhận ra nhất chính là vùng lông màu nâu ở hai bên má.
Con dúi nâu
Giống dúi nâu thường được tìm thấy ở vùng núi rừng Tây Bắc, có bộ lông màu nâu dễ dàng nhận biết. Tuy nhiên giống dúi này không quá phổ biến trong các loại dúi tại Việt Nam do chúng khá khó nuôi và khó chăm sóc.
Các tập tính chung thường thấy ở con dúi
Giống như các loài khác, loài chuột nứa này cũng có những tập tính chung để thích nghi với điều kiện môi trường sống và đặc điểm của bản thân. Dưới đây sẽ là những tập tính hay gặp ở loài dúi để bạn tham khảo.
Tập tính kiếm ăn và chỗ ở
Con dúi có khả năng gặm nhấm thức ăn được xếp vào hàng nhất trong loài khi chúng sở hữu bộ răng chắc khỏe. Do răng của chúng liên tục dài ra, vì vậy chúng phải ăn và mài những loại thức ăn cứng.
Đa phần các loài dúi đều có tính cách khá hung dữ. Chúng là loài vật không ưa thích ánh sáng nên ban ngày sẽ ngủ ở trong các hang sâu được đào ở những nơi nhiều tre nứa, buổi tối sẽ chui ra ngoài kiếm ăn.
Thức ăn chủ yếu của loài dúi là các cây họ nhà tre nứa, chỉ ăn phần thân cây chứ không ăn lá. Ngoài ra chúng bổ sung chất đạm bằng cách ăn các loại hạt, ngô, khoai lang hoặc củ sắn. Nếu ăn các loại củ mềm thì chúng rất dễ đi ngoài.
Tập tính sinh sản của con dúi
Ngoài một vài loài sống đơn lẻ thì đa số các con dúi sẽ tụ tập thành bầy đàn. Mùa sinh sản của loài dúi rơi vào tầm từ tháng 3 đến tháng 8 gồm 2 – 3 lứa, trong mỗi lứa dúi sẽ đẻ khoảng 2 – 4 con.
Một điểm khá thú vị chỉ có ở tập tính sinh sản ở loài dúi này là dúi đực sẽ ở cạnh dúi cái để giao phối. Cho đến khi giao phối xong và bước vào kì sinh sản, dúi cái sẽ đuổi bạn đời của mình đi để tự sinh con và nuôi con.
Kỹ thuật nuôi một vài giống dúi phổ biến
Khi loài dúi được biết đến rộng rãi thì xảy ra tình trạng các con dúi trong tự nhiên bị bắt thịt nhiều dẫn tới số lượng loài giảm đáng kể. Chính vì vậy mà các trang trại, mô hình nuôi dúi nhân tạo được ra đời nhằm duy trì loài vật có giá trị này.
Điểm chung khi làm chuồng cho các loại dúi kể cả mục đích sinh sản hay để thịt là cần phải làm chuồng kín, yên tĩnh và tránh được nguồn ánh sáng trực tiếp. Chuồng dúi khi xây nên chia ô rộng khoảng 50cm, dài tầm 1m, cao 60cm.
Kỹ thuật nuôi con dúi để sinh sản
Chuồng cho dúi sinh sản nên chia làm hai ngăn, một bên để dúi sinh con và một bên để chạy nhảy và ăn thức ăn. Nhiệt độ trong chuồng sinh sản của dúi nên để ở ngưỡng khoảng 20 – 30 độ là thích hợp nhất.
Trong thời gian 45 ngày con dúi mẹ mang thai, cần cho dúi mẹ ăn đầy đủ chất, tạo điều kiện chuồng thích hợp. Dúi con khi vừa chào đời chỉ nên cho ăn các loại tre nứa không quá cứng, và chúng sẽ ở với mẹ khoảng 1 tháng.
Kỹ thuật nuôi dúi thịt
Đối với dúi thương phẩm, nên chọn các con dúi giống khỏe mạnh, tốt nhất là mua ở các nguồn uy tín. Đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ và vệ sinh chuồng cho dúi để chúng có thể phát triển một cách tốt nhất.
Đồ ăn để nuôi vỗ béo dúi thương phẩm sẽ là các loại hạt, ngũ cốc để bổ sung đạm. Tuy nhiên cũng đừng quên các loại tre nứa để giúp chúng mài răng, tránh tình trạng răng mọc dài và đâm xuyên vào miệng.
Giá cả của con dúi trên thị trường hiện nay
Có thể nói loài dúi này mang lại giá trị về mặt kinh tế rất lớn cho những người nuôi chúng. Tùy thuộc vào từng loại dúi và mục đích nuôi khác nhau mà giá trị trên thị trường của chúng cũng khác nhau.
- Dúi giống: Do kĩ thuật chăm sóc không quá phức tạp, loài dúi được nuôi ngày càng nhiều. Loại dúi giống sẽ có giá thành phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể dao động từ 700.000 VND đến 1.000.000 VND trên một cặp.
- Dúi sinh sản: Chọn mua những con dúi trong mùa sinh sản sẽ giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí chăm sóc. Bạn có thể mua một cặp đang trong mùa sinh sản hoặc mua dúi con, với chi phí từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
- Giá thịt dúi: Dúi có giá trị thương phẩm cao, và tùy vào từng loại dúi, cách chăm nuôi khác nhau sẽ có giá khác nhau. Trung bình thịt dúi có giá thành trong khoảng từ 550.000 VND đến 700.000 VND trên 1kg thịt.
Xem thêm:
- Cá vàng – Các loại phổ biến và cách chăm sóc cho cá hiệu quả
- Cá Koi là cá gì? Phân loại và kỹ thuật nuôi dưỡng loại cá này
Tổng kết
Bài viết trên đây đã tổng hợp những thông tin chi tiết nhất về con dúi – một loài động vật có giá trị về nhiều mặt và đang dần trở nên phổ biến. Nếu có khả năng và yêu thích bạn cũng có thể nuôi cho mình một cặp dúi, dựa vào những kiến thức về tập tính, đặc điểm và kĩ thuật nuôi đã được đề cập ở trên.